Sau khi Bộ Giáo dục có những điều chỉnh, nhiều trường Đại học đã bỏ hình thức xét tuyển sớm, không còn phân chia chỉ tiêu theo từng phương thức. Đồng thời, các trường bổ sung thêm nhiều tổ hợp xét tuyển và đang xây dựng công thức quy đổi điểm theo một thang điểm thống nhất.

Phương án xét tuyển năm 2025 các Đại học có gì thay đổi?

Vào tối 21/3, Học viện Ngân hàng thông báo sẽ bỏ việc phân chia tỷ lệ chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển như kế hoạch đề ra vào giữa tháng 2. Khi đó, trường dự định tuyển 45% chỉ tiêu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại bao gồm xét tuyển thẳng, học bạ (20%), chứng chỉ quốc tế (15%) và kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (20%).

Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân… cũng tương tự.

Phuong-an-xet-tuyen-nam-2025-cac-dai-hoc-co-gi-thay-doi
Các trường Đại học thay đổi nhằm tuân thủ quy chế tuyển sinh Đại học mới

Sự điều chỉnh này nhằm tuân thủ quy chế tuyển sinh Đại học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Theo đó, các trường vẫn có thể áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, nhưng tất cả sẽ được xét chung một đợt với điểm thi tốt nghiệp, và điểm sẽ được quy đổi về một thang điểm thống nhất, ví dụ như thang 30. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ được xét tuyển từ điểm cao xuống thấp mà không phân biệt phương thức hay tổ hợp xét tuyển, khiến việc phân chia tỷ lệ chỉ tiêu theo các phương thức không còn cần thiết.

Trước đó, nhiều trường Đại học đã thực hiện xét tuyển sớm từ tháng 2-3 năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay ngay sau khi dự thảo của Bộ được công bố, các trường đã quyết định bỏ hình thức này.

Một sự thay đổi khác là nhiều trường đã mở rộng các tổ hợp xét tuyển vì Bộ không còn giới hạn số lượng tổ hợp, chỉ yêu cầu ít nhất một môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tối thiểu là 25% tổng điểm. Theo TS Nguyễn Thị Đông, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển, ngoài các tổ hợp truyền thống, Học viện dự kiến sẽ bổ sung một số tổ hợp mới như Toán kết hợp với Tin học hoặc Công nghệ và Tiếng Anh.

Tại Đại học Văn Lang, hầu hết các ngành đều xét tuyển từ 6 tổ hợp môn trở lên, với một số ngành lên đến 19 tổ hợp. Trong khi đó, Đại học Sài Gòn cho phép thí sinh tự chọn tối đa hai môn trong ba môn của mỗi tổ hợp.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, cho rằng tới đây, các trường sẽ tiếp tục có những thay đổi về phương thức, tổ hợp môn.

Cùng với các điều chỉnh trên, tất cả các trường Đại học hiện đang tiến hành tính toán công thức quy đổi điểm tương ứng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ sớm công bố nguyên tắc chung và hướng dẫn cụ thể cho các trường. Tuy nhiên, theo TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, có thể mỗi trường vẫn cần dựa vào dữ liệu đầu vào của mình để xây dựng công thức quy đổi riêng.

Do đó, mặc dù cùng sử dụng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển, công thức quy đổi điểm giữa các trường có thể sẽ không giống nhau.

“Việc quy đổi không thực hiện cơ học, tuyến tính mà phụ thuộc vào phổ điểm, phân phối điểm giữa các phương thức, nhóm thí sinh xét tuyển vào từng trường”, ông Hà nhìn nhận, cho hay một số trường ở miền Bắc đã thảo luận về việc này.

TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết trường dự kiến sẽ sử dụng dữ liệu đầu vào và kết quả học tập của hơn 20.000 sinh viên trong ba năm qua. Cùng với đó, trường kết hợp với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực, tư duy của thí sinh năm nay để xây dựng quy tắc và công thức quy đổi điểm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng truyền thông và Tuyển sinh, Đại học Thương mại cũng tiến hành thống kê kết quả học tập của thí sinh trúng tuyển qua các phương thức khác nhau. Từ đó, trường sẽ đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng đầu vào và tìm ra công thức quy đổi điểm phù hợp.

Phuong-an-xet-tuyen-nam-2025-cac-dai-hoc-co-gi-thay-doi
Các trường đều khẳng định thí sinh không cần lo lắng về việc quy đổi điểm

Thêm vào đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp TP HCM, cho rằng các trường cần phải xem xét và tính toán việc quy đổi điểm thưởng, điểm khuyến khích dành cho thí sinh có thành tích xuất sắc, đảm bảo không vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét tuyển. Tại trường của ông Nhân, vấn đề này gặp khó khăn vì trong những năm qua, trường ưu tiên xét tuyển thẳng cho học sinh giỏi cấp tỉnh với điều kiện điểm thi tốt nghiệp THPT phải đạt mức ngưỡng đảm bảo chất lượng mà không áp dụng điểm chuẩn cho nhóm này.

“Nếu nhóm này chỉ được cộng điểm thì có phần thiệt thòi cho các em trong khi trường rất muốn tuyển bởi khả năng đáp ứng rất tốt, thể hiện qua kết quả học tập”, ông Nhân nói.

Mặc dù vẫn cần thêm thời gian để tính toán, các trường đều khẳng định thí sinh không cần lo lắng về việc quy đổi điểm. Điều quan trọng là các em nên tập trung vào việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc nâng cao điểm chứng chỉ quốc tế để mở rộng cơ hội trúng tuyển.

“Thí sinh chỉ cần quan tâm đến việc chọn ngành, trường, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi. Khi có kết quả, các em áp theo công thức sẽ ra điểm xét tuyển”, ông Nhân khẳng định.

Với những thay đổi trong quy chế xét tuyển Đại học 2025, thí sinh cần yên tâm và tập trung vào việc ôn luyện, nâng cao năng lực bản thân. Các trường sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể và đảm bảo tính công bằng trong quá trình tuyển sinh. Các em lưu ý để cập nhật cụ thể.

Cao Đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp