Hiện nay, một số trường xét tuyển xuất hiện các tổ hợp “lạ”, trong đó có ngành Y, Sư phạm, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính phù hợp của các môn xét tuyển đối với đặc thù của từng ngành. Điều này gây nên sự lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như năng lực chuyên môn của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhiều tổ hợp “lạ” xuất hiện trong xét tuyển ngành Y, Sư phạm

Ngành Sư phạm

Trong khối ngành Sư phạm, nhiều trường áp dụng các tổ hợp xét tuyển mới, trong đó không có môn học gắn liền với chuyên ngành – điều hiếm thấy trước đây. Chẳng hạn, Đại học Đồng Tháp tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý và Hóa học bằng khối D01 cùng một số tổ hợp khác không bao gồm môn Lý hoặc Hóa.

Tương tự tại trường Đại học Khánh Hòa, thí sinh có thể dùng điểm khối D07 (Toán, Hóa, Anh), B00 để nộp vào ngành Sư phạm Vật lý.

Nhieu-to-hop-la-xuat-hien-trong-xet-tuyen-nganh-y-su-pham
Ngành Y xuất hiện nhiều tổ hợp “lạ”

>>>> Xem ngay: Chi tiết 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT 2025

Tại Đại học Thủ đô Hà Nội, ngành Sư phạm Lịch sử xét tuyển bằng các tổ hợp D01, C04 (Văn, Toán, Địa) và C14 (Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Tương tự, ngành Sư phạm Tiếng Anh và Sư phạm Vật lý cũng sử dụng ba tổ hợp xét tuyển mà không bao gồm môn chuyên ngành tương ứng.

Còn ở trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, ngành Sư phạm Lịch sử tuyển cả bằng khối D01 và C20 (Văn, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Ngành Ngôn ngữ cũng gặp tình trạng tương tự. Đại học Hòa Bình xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) và C01 (Văn, Toán, Lý). Trong khi đó, tại Đại học Thủ đô Hà Nội, hai ngành này còn mở rộng xét tuyển với các tổ hợp C03 (Văn, Toán, Sử), C04 (Văn, Toán, Địa) và C14 (Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Ngành Y

Đầu tháng này, Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội) công bố tuyển sinh bốn ngành thuộc khối Sức khỏe gồm Dược học, Điều dưỡng, Y học cổ truyền và Y khoa với năm tổ hợp xét tuyển.

Bên cạnh hai tổ hợp truyền thống là B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Lý, Hóa), trường còn xét tuyển bằng các tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh).

Trước đó, Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thông báo tuyển sinh các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm, Điều dưỡng và Y tế công cộng với nhiều tổ hợp xét tuyển. Trong đó, môn Toán là bắt buộc, môn thứ hai có thể là Lý, Hóa hoặc Sinh. Môn còn lại thí sinh được chọn theo điểm cao nhất trong số các môn Sinh, Hóa, Lý, Văn, Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ.

Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng ba môn Toán, Lý, Công nghệ hay Toán, Lý, Văn.

Tại Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam), thí sinh có thể sử dụng điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh) để đăng ký xét tuyển vào ngành Y khoa hoặc Răng Hàm Mặt.

Trước đây, một số trường từng xét tuyển ngành Y bằng điểm môn Văn, nhưng hai môn còn lại trong tổ hợp luôn bao gồm Hóa hoặc Sinh cùng với Toán.

Ý kiến các chuyên gia giáo dục

Nhieu-to-hop-la-xuat-hien-trong-xet-tuyen-nganh-y-su-pham
Nhiều chuyên gia lo ngại về tổ hợp “lạ”

>>>> Mách bạn: Tổ hợp môn thi Đại học 2025 khối A và danh sách các ngành, trường đào tạo

Theo quy chế tuyển sinh Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay các trường được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho từng ngành, thay vì bị giới hạn như trước. Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng điều này giúp thí sinh có cơ hội theo đuổi ngành học yêu thích, ngay cả khi chưa có nền tảng vững chắc về môn chuyên ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng cách xét tuyển này có thể gây khó khăn trong quá trình đào tạo và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền, cho rằng việc tuyển sinh các ngành Sức khỏe như Y khoa, Răng Hàm Mặt hay Y học cổ truyền mà không sử dụng tổ hợp có Toán, Hóa, Sinh là điều rất đáng lo ngại.

Ông nhấn mạnh rằng những kiến thức này đóng vai trò nền tảng đối với sinh viên theo học các ngành Y khoa. Nếu thiếu vững vàng ngay từ đầu, họ sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình học tập và cả khi hành nghề sau này.

“Các trường có thể bổ sung thêm điểm Văn, Lý, Ngoại ngữ vào tổ hợp hoặc làm điều kiện xét tuyển nhưng không thể lấy các môn này ra để thay thế Toán, Hóa, Sinh”, theo ông Cảnh.

TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết ông cảm thấy bất ngờ khi biết một số trường xét tuyển các ngành Ngôn ngữ hoặc Sư phạm mà không yêu cầu điểm môn chuyên ngành tương ứng.

Theo ông, đối với ngành Ngôn ngữ, để học hiệu quả, sinh viên cần có tư duy và khả năng thiên bẩm. Chính vì vậy, các trường học từ trước đến nay thường lựa chọn các tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh.

“Điểm số môn này phần nào đánh giá khả năng học ngôn ngữ, xác định thí sinh có đủ điều kiện để tiếp nhận kiến thức ở bậc cao hơn hay không”, ông Hạ nhìn nhận.

Bà Bùi Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, cũng đồng ý với quan điểm này. Bà cho rằng các trường sẽ phải tốn thời gian kiểm tra, phân loại sinh viên và điều chỉnh chương trình học cho phù hợp. Điều này sẽ tạo ra khó khăn cả cho trường và thí sinh.

TS Đặng Văn Sơn, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thấy cách tuyển đầu vào như trên là “vơ bèo vạt tép”.

“Các trường phải tận thu nguồn tuyển như thế này đều không phải Đại học top đầu, chắc chắn chất lượng tuyển sinh không cao nên không thể kỳ vọng nhiều vào việc tự học của sinh viên”, TS Sơn nói.

Ông cho biết nhiều sinh viên mà ông giảng dạy không thi đầu vào bằng môn Vật lý. Khi học các môn đại cương Vật lý, họ gần như quên hết kiến thức dù đã học từ bậc THPT. Nếu được chấm điểm chặt chẽ, hầu hết sẽ không đạt.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh bằng các tổ hợp “lạ” vì điều này có thể tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Có thể thấy rằng việc tuyển sinh bằng các tổ hợp “lạ” sẽ tạo ra nhiều thách thức trong quá trình học tập và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo lâu dài. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh hợp lý trong quy trình tuyển sinh để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Cao Đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp