Ngành Luật Kinh tế hiện đang là lựa chọn hấp dẫn với nhiều thí sinh nhờ tính ứng dụng cao và triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Năm 2025 các trường cũng xét tuyển với nhiều tổ hợp, phương thức đa dạng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển.

Ngành Luật Kinh tế đa dạng về tổ hợp xét tuyển và điểm chuẩn

Ngành Luật Kinh tế là sự kết hợp giữa kiến thức pháp lý và hiểu biết về kinh tế, thương mại, giúp người học nắm vững khung pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong cả khu vực công và tư. Chương trình đào tạo tập trung vào việc trang bị cho sinh viên kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh như giao kết hợp đồng, đầu tư, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại.

Để giúp thí sinh và phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về ngành học này, bài viết sẽ tổng hợp các thông tin quan trọng như chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển, mức điểm chuẩn, học phí cũng như tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp tại một số trường Đại học trên toàn quốc.

Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo định hướng tuyển sinh, mở rộng ngành đào tạo và chính sách hỗ trợ người học năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến sẽ tuyển khoảng 2.650 sinh viên hệ Đại học chính quy — tăng thêm khoảng 150 chỉ tiêu so với năm 2024.

Nganh-luat-kinh-te
Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến sẽ tuyển khoảng 2.650 sinh viên

Về phương thức tuyển sinh, nhà trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển đối với các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (kết quả học tập cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12) theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (xét học bạ), trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trong năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh 268 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế, áp dụng các tổ hợp xét tuyển như A00, A01, C00, D01 đến D06. Mức điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022–2024 dao động từ 25,5 đến 29,52 điểm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có việc làm sau một năm đạt 91,84%. Về học phí, sinh viên sẽ đóng 3.553.200 đồng mỗi tháng, tương đương 815.000 đồng/tín chỉ; học phí được thu trong 5 tháng mỗi học kỳ, kéo dài 25 tháng cho toàn khóa với tổng cộng 109 tín chỉ.

Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM triển khai tuyển sinh Đại học theo ba phương thức xét tuyển khác nhau: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Căn cứ theo đề án tuyển sinh năm 2024, Trường dành 301 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế, gồm ba chuyên ngành: Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế và Luật Thương mại quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.

Trong ba năm gần nhất (2022–2024), điểm chuẩn của ngành này theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 24,65 đến 26,09 điểm.

Trong năm học 2024–2025, Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) áp dụng mức học phí năm đầu là 27,5 triệu đồng đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 57,6 triệu đồng đối với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Theo báo cáo việc làm năm 2023, tỷ lệ sinh viên ngành Luật Kinh tế có việc làm sau tốt nghiệp đạt 95,88% trên tổng số sinh viên tham gia khảo sát.

Trường Đại học Thương mại

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh theo 6 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2025, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển 330 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế, chia thành ba chuyên ngành: Luật Kinh tế, Luật Kinh doanh với chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và Luật Thương mại quốc tế. Trường sẽ xét tuyển theo các tổ hợp môn bao gồm A00, A01, D01, D07, D09, D10 và D84.

Điểm chuẩn của ngành Luật Kinh tế tại trường theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 25,80; 25,60 và 25,80 điểm.

Theo báo cáo tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên ngành Luật Kinh tế có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 97,94%.

Học phí tại Trường Đại học Thương mại trong năm học 2025–2026 sẽ dao động từ 2.400.000 đến 2.790.000 đồng mỗi tháng đối với các chương trình đào tạo chuẩn và 3.850.000 đồng mỗi tháng cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP). Mức tăng học phí hàng năm sẽ không vượt quá 12,5% so với năm học trước.

Đại học Kinh tế Quốc dân

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là một trong những trường Đại học đào tạo ngành Luật Kinh tế. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2025, trường sẽ áp dụng ba phương thức xét tuyển để lựa chọn thí sinh: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xét tuyển ngành Luật Kinh tế theo 4 tổ hợp môn: A00, A01, D01 và D07. Chỉ tiêu tuyển sinh chi tiết cho từng ngành, chương trình hoặc nhóm ngành, cũng như từng phương thức xét tuyển và trình độ đào tạo sẽ được trường công bố sau. Trong năm 2024, trường đã tuyển 225 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế.

Điểm chuẩn của ngành này trong các năm 2022, 2023 và 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT lần lượt là 27,00; 26,85 và 27,05 điểm. Theo báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2023 được công bố trên website của trường, tỷ lệ sinh viên ngành Luật Kinh tế có việc làm sau tốt nghiệp đạt 98,25% trong số những sinh viên tham gia khảo sát.

Học viện Ngân hàng

Nganh-luat-kinh-te
Học viện Ngân hàng dự kiến sẽ tuyển sinh 250 chỉ tiêu

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2025, ngành Luật Kinh tế dự kiến sẽ tuyển sinh 250 chỉ tiêu, với các tổ hợp môn xét tuyển bao gồm A00, A01, D01, D07, C00, C03, D14 và D15.

Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, học viện xét tuyển theo 5 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ); Xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (V-SAT, HSA); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế của trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 dao động từ 25,52 đến 28,13 điểm. Ngành này thuộc khối ngành III (Kinh doanh, quản lý và pháp luật). Dự kiến, học phí cho ngành Luật Kinh tế tại Học viện Ngân hàng trong năm học 2025–2026 sẽ là 785.000 đồng/tín chỉ, tương đương khoảng 26,5 triệu đồng mỗi năm.

Theo khảo sát sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 97,27% trên tổng số sinh viên tham gia phản hồi, như được ghi nhận trong đề án tuyển sinh năm 2024.

Có thể thấy, với các chính sách tuyển sinh, học phí và cơ hội nghề nghiệp rõ ràng, ngành Luật Kinh tế tại các trường Đại học hàng đầu đang thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Đây là ngành học không chỉ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Cao Đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp